Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Xoa dịu nỗi đau da cam

 


 
Chiến tranh đi qua đã để lại những hậu quả nặng nề, một số người tham gia chiến đấu khi trở về mang trong mình căn bệnh do bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) và khi lập gia đình họ sinh ra những đứa con hàng ngày phải gánh chịu những nỗi đau trên thân xác đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của CĐDC/dioxin. Giờ đây, những nỗi đau ấy đã phần nào được xoa dịu khi họ được sống trong tình thương, sự sẻ chia, chăm sóc của cả cộng đồng, xã hội...
Những nỗi đau lặng lẽ
Trong cái nắng của những ngày hè, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Lê Thị Tuyết, ở phường Phú Lợi (TX.TDM) nhìn thấy đứa con trai của bà là anh Lê Hoàng Sơn (SN 1967) mà xót thương. Từ khi lọt lòng đến nay đã 43 năm nhưng từ vệ sinh, ăn uống của anh Sơn đều do bàn tay của người mẹ tảo tần chăm sóc. Bà Tuyết kể: Lớn lên bà đi cách mạng hoạt động ở vùng Thanh Tuyền thì gặp chồng bà rồi hai người kết hôn. Sống với nhau, vợ chồng bà có 5 người con nhưng anh Sơn phải gánh chịu hậu quả dị tật chân tay khều, không cầm được bất cứ vật gì. Khi có ai đến thăm nom, Sơn cũng chỉ ú ớ vài câu thay tiếng chào. Đây là hậu quả để lại trong chiến tranh mà gia đình bà phải đang gánh chịu.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thái, UVBCH TWHNNCĐDC/dioxin VN, Chủ tịch Tỉnh hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương, thăm hỏi tặng quà cho nạn nhân CĐD
CĐDC/dioxin cũng hủy hoại niềm hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Văn Thủy ở phường Định Hòa (TX.DTM). Hơn 16 năm qua, trong căn nhà của anh Thủy, đứa con trai của anh là Nguyễn Thế Dũng (SN 1994) luôn vật vã vì những cơn đau theo em từ lúc chào đời. Anh Thủy xúc động kể: “Năm 1960 đến 1973, anh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và Tây nguyên. Trong những lần đi rừng ấy, anh đã uống nước suối, ăn rau rừng và có thể bị nhiễm chất độc hóa học. Khi rời quân ngũ, năm 1989 anh lập gia đình và sinh được 2 người con. Không may, đứa con trai của anh đã bị nhiễm CĐDC. Từ lúc sinh ra đến giờ Nguyễn Thế Dũng chỉ biết nằm một chỗ. Hơn 16 năm nay, cuộc sống của Dũng hoàn toàn ở trên giường. Không nói, không đi lại được nên tất cả mọi thứ trong sinh hoạt đều do cha mẹ chăm sóc”. Riêng bản thân của anh Thủy vừa được giám định y khoa với kết quả mất sức lao động 75% do bị nhiễm CĐDC/dioxin. Hiện nay anh đang mang trong mình những thứ bệnh: Tim, huyết áp, thận...
Xoa dịu nỗi đau da cam
Những ai là nạn nhân của CĐDC? Họ là những cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, du kích, tự vệ, dân công hỏa tuyến đã từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị rải CĐDC/dioxin trên chiến trường miền Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là dân thường sinh sống ở những vùng bị rải hoặc tồn trữ CĐDC/dioxin. Họ còn là một số người trước đây từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn cũ, nhưng cũng bị mắc bệnh do tiếp xúc với chất độc hóa học dioxin. Dù lai lịch khác nhau, nhưng họ đều bị nhiễm CĐDC do quân đội Mỹ sử dụng. Các nạn nhân đang mang trong mình những căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu. Họ đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số họ có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò, cô đơn, không nơi nương tựa. Những gia đình có nhiều nạn nhân càng rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Không thể kể hết những hoàn cảnh thương tâm. Một số cặp vợ chồng nhiều lần sinh mà lần nào cũng là những đứa trẻ dị dạng, không nuôi được. Người mẹ 9 tháng mang nặng đẻ đau, tần tảo nuôi con mấy chục năm mà đứa con vẫn chỉ nằm một chỗ, vô tri vô giác. Có gia đình cha con đều là nạn nhân.
Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các nạn nhân CĐDC/dioxin, trong thời gian qua các ngành chức năng ở Bình Dương luôn rà soát danh sách và lập hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang bị dừng trợ cấp để giám định tại Hội đồng Giám định y khoa. Căn cứ vào giám định để giải quyết chế độ trợ cấp cho đối tượng. Hiện nay Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Bình Dương đang tiếp tục phối hợp với các địa phương nắm danh sách và lập hồ sơ theo dõi, quản lý các đối tượng nạn nhân CĐDC/dioxin trên địa bàn huyện, xã; có kế hoạch tổ chức phân loại (A, B, C) về tình trạng bị nhiễm CĐDC của từng đối tượng để thực hiện việc chăm sóc, giúp đỡ. Đồng thời nắm hoàn cảnh đời sống gia đình các nạn nhân để giúp đỡ xây dựng nhà ở, khám chữa bệnh, hỗ trợ sản xuất... Bình Dương có hơn 4.000 trường hợp bị nhiễm CĐDC/dioxin nhưng trong số đó có khoảng 10% được công nhận là chất độc này được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang bị dừng trợ cấp. Lý do là vì họ không đủ điều kiện theo quy định hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
“Xoa dịu nỗi đau da cam” là việc làm không của riêng ai. Các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC/dioxin đã có nhiều sửa đổi, bổ sung và vẫn trong quá trình hoàn thiện nhằm thực hiện sự công bằng xã hội đối với những người có công với đất nước, đối với mọi nạn nhân là dân thường. Điều này đã giúp cho các nạn nhân vượt qua những đau đớn về thể xác, tinh thần do bệnh tật gây ra.
TƯỜNG VY - NHÂN QUANG
Theo điều tra năm 1999, Bình Dương có hơn 4.000 đối tượng bị nhiễm CĐDC/dioxin. Những người bị nhiễm đã và đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, suy nhược thể lực, đái tháo đường, rối loạn thần kinh...