Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Chất độc da cam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ Đại đội không quân 336 đang rải chất diệt cỏ trong vùng rừng của châu thổ sông Mê Kông, 26/07/1969

Hormone thực vật, một phần của Chất độc da cam
Chất độc da cam (viết tắt: CĐDC, tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam) là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này đã được dùng trong những năm từ 1961 đến 1971 và nhiều người cho rằng đã làm tổn thương sức khỏe của những người dân thường cũng như binh lính Việt Nam, lính Mỹ cũng như lính Úc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand có mặt như quân đồng minh của Mỹ mà có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, mục đích quân sự chính thức của CĐDC là làm rụng lá cây rừng để quân đội du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam không còn nơi trốn tránh. CĐDC là một chất lỏng trong; tên của nó được lấy từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển nó. Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các chất được dùng trong thời kỳ này: "chất xanh" (Agent Blue, cacodylic acid), "chất trắng" (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), "chất tím" (Agent Purple) và "chất hồng" (Agent Pink).
Đến năm 1971, CĐDC không còn được dùng để làm rụng lá nữa; 2,4-D vẫn còn được sử dụng để làm diệt cỏ. 2,4,5-T đã bị cấm dùng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Ảnh hưởng đến con người

Người ta đã tìm thấy CĐDC có chứa chất độc dioxin, nguyên nhân của nhiều bệnh như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người Việt lẫn các cựu quân nhân Hoa Kỳ.

2,3,7,8-TCDD, một loại dioxin gây ô nhiễm
Tuy nhiên, Giáo sư Alvin L. Young - chuyên gia dioxin nói rằng "Không có tác hại sinh thái nào được ghi nhận ở động thực vật mặc dù một lượng lớn chất diệt cỏ và dioxin đã được sử dụng", và rằng "thông tin này chưa được xem xét trong các lần đánh giá trước của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ". Tuy nhiên, giáo sư lưu ý rằng "các chất diệt cỏ đổ thẳng xuống đất và ngấm sâu trước khi thoái biến thì sẽ có tồn dư và vì vậy là một mối lo ngại."[1]. Còn theo Cựu Đại sứ Mỹ tại VN ông Michael Marine vẫn cho rằng mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm dioxin và sức khoẻ con người vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên ông đã công bố khoản tài trợ trị giá 400 nghìn USD để nghiên cứu ô nhiễm dioxin và tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng[2].

Các vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam

Vụ kiện của cựu binh Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam

Năm 1984, từ phiên tòa của quan tòa Jack Weinstein, 7 công ty hóa chất Mỹ đã bồi thường 180 triệu đô la cho các cựu chiến binh Mỹ nhưng bác bỏ trách nhiệm về tác hại của chất diệt cỏ mà họ đã cung cấp cho quân đội[3].

Vụ kiện cựu binh Đức

Vụ kiện cựu binh Úc

Vụ kiện cựu binh Hàn Quốc

Ngày 25 tháng 1 năm 2006, Toà án dân sự cấp cao Seoul đã ra phán quyết buộc hai công ty hoá chất Dow Chemical tại Midland, MichiganMonsanto tại St. Louis, Missouri phải bồi thường 62 triệu USD phí chăm sóc sức khoẻ cho 6.800 người gồm các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam và gia đình của họ. Đây là lần đầu tiên một toà án ở Hàn Quốc ra phán quyết có lợi cho nạn nhân chất độc hoá học da cam[4][5].

Vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam


Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng với những trẻ em nhiễm chất độc da cam, được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.
Ngày 31 tháng 1 năm 2004, nhóm bảo vệ quyền lợi nạn nhân CĐDC, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (The Vietnam Association of Victims of Agent Orange/Dioxin - VAVA) đã kiện hơn 30 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất CĐDC lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ đã bị nêu tên trong vụ kiện cùng các công ty khác. Trước đây nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã thắng một vụ kiện tương tự.
Các nạn nhân tham gia kiện gồm có:
  1. Phan Thị Phi Phi
  2. Nguyễn Văn Quý
  3. Dương Quỳnh Hoa (đã mất tháng 2 năm 2006)
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2005, quan tòa Jack Weinstein (thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn) đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng CĐDC đã không được xem là một chất độc dưới luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó; rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền.
Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố (sovereign immunity), không phải là một bị cáo trong đơn kiện. Tuy nhiên, vào năm 1984 cũng từ phiên tòa của vị quan tòa này, chính các công ty trên đã chi khoảng 180 triệu USD cho các gia đình người Mỹ là cựu chiến binh Việt Nam mặc dù không thừa nhận có hành động sai trái.
Hai mươi mục trong phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein ngày 10 tháng 3 về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty hoá chất đã được phân tích của Mandrew Wells-Dang, đại diện Quỹ Hoà giải và Phát triển tiếng Anh (tiếng Việt phần 1, và tập 2).
Ngày 7 tháng 4 năm 2005 các nguyên đơn Việt Nam đã tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm của Mỹ đòi lật lại quyết định của tòa sơ thẩm.
Tòa Phúc thẩm Khu vực 2 tại Manhattan bắt đầu xem xét lại vụ kiện vào tháng 6 năm 2006, ra phán quyết vào tháng 2 năm 2007 đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm.

Chú thích

  1. ^ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam THÔNG CÁO BÁO CHÍ, ngày 22/6/2007
  2. ^ Mỹ có tài trợ nhỏ để nghiên cứu tẩy dioxin ở Đà Nẵng
  3. ^ BBC, Giữ nguyên phán quyết vụ dioxin, 23/2/2008
  4. ^ VietNamNet, Tòa án Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân da cam VN, 23/2/2008
  5. ^ NYNewsday

Xem thêm

Liên kết ngoài

Tiếng Anh
Tiếng Việt
Trên các báo Việt Nam