Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Nỗi đau chất độc da cam/dioxin

Nam. Nhân dịp kỷ niệm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” (10-8), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thái, UVBCH TWHNNCĐDC/dioxin VN, Chủ tịch Tỉnh hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương về những hậu quả của thứ chất độc hủy diệt này và cuộc hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam.


- Thưa ông, hẳn từng chứng kiến những nỗi đau da cam mà chiến tranh đã gây ra cho người dân Việt
Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, ông có thể nói thêm về tác hại của chất độc này?
- Những khi tiếp xúc trực tiếp với các NNCĐDC/dioxin lòng tôi luôn xúc động vì nỗi đau về thể xác mà họ là những người vô tội phải gánh chịu, nỗi  đau về tinh thần mà không những bản thân họ, gia đình họ cũng đang chịu đựng bấy lâu nay.
Trong lịch sử loài người chưa có cuộc chiến tranh hóa học nào có thể so sánh với cuộc chiến tranh hóa học quy mô lớn nhất, kéo dài ngày nhất mà quân đội Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam. Từ năm 1961-1971 đã có khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam chứa 366kg dioxin) rải xuống 24,67% diện tích tự nhiên toàn miền Nam Việt Nam Trong thời chiến tranh, Mỹ ngụy chia Việt Nam thành 4 vùng chiến thuật, thì cả 4 vùng từ Quảng Trị đến Cà Mau đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin với các mức độc khác nhau. Hậu quả tức thời là 3.060 triệu ha rừng bị tàn phá theo nhiều mức độ. Ngoài ra, nhiều nguồn tài nguyên, lâm sản khác như cây thuốc, song mây, dầu nhựa, thú rừng... bị tiêu diệt. Chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em (cả thế hệ con, cháu). Hàng vạn người đã chết, hàng triệu người bị các bệnh ung thư và bệnh nan y khác cùng con cháu họ bị dị dạng, dị tật đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin.
- Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục theo hướng nào?
- Theo Giáo sư - Luật sư Lê Văn Đạt, Ủy viên Thường vụ Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam: với luật pháp Mỹ, phán quyết của một tòa phúc thẩm (TPT) chỉ có phạm vi của TPT đó, trong khi ở Mỹ có 12 TPT. TPT mà các NNCĐDC/dioxin Việt Nam gửi đơn kiện là tòa số 2, bao gồm New York và một số bang xung quanh. Phán quyết của tòa số 2 không có giá trị với 11 TPT khác. Giáo sư - Luật sư Lê Văn Đạt còn đề cập tới khả năng các NNCĐDC/dioxin Việt Nam khởi kiện tại một số nước thứ 3, hoặc lên một số Tòa án Quốc tế như Tòa án Quốc tế Vì công lý (ICJ) tại The Hague hay Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). 5 năm qua, vụ kiện chất độc da cam tại Tòa án Mỹ đã thu được những thắng lợi, có ý nghĩa tích cực, đáng khích lệ, bước đầu đạt được một số yêu cầu đề ra trước khi tiến hành vụ kiện.
- Trong những năm qua Bình Dương có những chính sách gì để xoa dịu một phần mất mát, đau thương của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, thưa ông?
- Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam được thành lập ngày 17-12-2003, là tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội được Đảng, Nhà nước giao. Hội được thành lập nhằm huy động mọi tiềm năng xã hội; tạo mọi điều kiện chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin và gia đình hòa nhập cộng đồng và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của công dân. Hội thực hiện cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/dioxin buộc phía Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra.
Những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương đã vận động để xây dựng 5 căn nhà “Đại đoàn kết” cho nạn nhân với số tiền 64.736.000 đồng, hỗ trợ tiền tết và kỷ niệm Ngày Da cam hàng năm 518.909.000 đồng, hỗ trợ học sinh, sinh viên 2.000.000 đồng, tổ chức đoàn đi thăm NNCĐDC/dioxin các địa phương.
Riêng năm 2010, tới nay Hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương đã tổ chức thăm tặng quà, tiền cho các NNCĐDC với số tiền  209.900.000 đồng. Hội đã có buổi họp chuyên đề do Sở Nội vụ chủ trì với các Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Hội Chữ thập đỏ. Hội đã gửi toàn bộ hồ sơ và bản hướng dẫn thành lập hội tới 5 huyện, thị thông qua các vị Chủ tịch UBND huyện, thị. Hội đã và đang xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội NNCĐDC/dioxin với các Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN SƠN (thực hiện)



 
 Tiến sĩ- bác sĩ Phạm Ngọc Thái (giữa) thăm hỏi tặng
 quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở phường
 Định Hòa(TX.TDM)
Chiến tranh đi qua đã để lại những nỗi đau có tên gọi “da cam” vẫn còn in hằn lên hàng triệu người dân Việt