Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, “Nỗi đau da cam” bao giờ nguôi ngoai?


Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Tối 9-8, nhân dịp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày Vì nạn nhân CĐDC, phóng viên Báo Bình Dương đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện các ngành chức năng và doanh nghiệp về các hoạt động chăm lo nạn nhân CĐDC và bảo vệ môi trường khỏi thảm họa da cam...

Một trong những tiêu chí để xác định đó là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dioxin thì người đó phải mắc 1 trong 17 loại bệnh, gồm: ung thư phần mềm; u lympho không Hodgkin; u lympho Hodgkin; ung thư phế quản - phổi; ung thư khí quản; ung thư thanh quản; ung thư tiền liệt tuyến; ung thư gan nguyên phát; bệnh đau tủy xương ác tính; bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính; tật gai sống chẻ đôi; bệnh trứng cá do clo; bệnh đái tháo đường type 2; bệnh Porphyrin xuất hiện chậm; các bất thường sinh sản; các dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin và rối loạn tâm thần.

TS, BS PHẠM NGỌC THÁI, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Bình Dương: Nạn nhân CĐDC/dioxin suốt đời gánh chịu nhiều nỗi đau.
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra hậu quả hết sức tai hại và lâu dài đối với môi trường sống và sức khỏe con người. Chúng tôi đã làm cuộc điều tra, được biết Bình Dương hiện có 5.214 nạn nhân CĐDC và đến thời điểm này chỉ có 752 nạn nhân được hưởng chế độ, chính sách của tỉnh. Số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục.  
Thời gian qua, chăm lo đời sống cho nạn nhân CĐDC, các cấp, các ngành, đoàn thể đã đặc biệt quan tâm. Riêng hội cũng có nhiều hoạt động thiết thực dành cho nạn nhân CĐDC như giúp đỡ bằng tiền, tặng quà, xây nhà đại đoàn kết... dù vậy, có thể nói đời sống của nạn nhân CĐDC gặp nhiều khó khăn. Với họ không chỉ khó khăn về vật chất, mà chính là nỗi đau về thể xác, tinh thần. Vì thế, về phía mình, hội đang làm hết sức để chăm lo cho nạn nhân CĐDC. Hội cũng đã kêu gọi các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đóng góp thành lập Quỹ Nạn nhân CĐDC. Với quỹ này, trước tiên, hội lo cái ở cho nạn nhân để họ an cư, từng bước lạc nghiệp. Tiếp đó là đào tạo nghề, lo cho con cái họ đi học. Những nạn nhân nào cần vốn chăn nuôi, sản xuất... thì sẽ được hỗ trợ vốn. Ngoài ra, hội sẽ dành một phần lớn để phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC.
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh ra đời với sứ mệnh lịch sử là vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tư vấn, phản biện các chính sách đối với nạn nhân CĐDC; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân; đại diện duy nhất cho các nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do họ gây ra. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của hội rất yếu. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có tổ chức hội cơ sở. Do đó, trong thời gian tới, hội tiếp tục củng cố tổ chức để hội thực sự là điểm tựa cho nạn nhân CĐDC.
 Ông NINH QUỐC BÌNH, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chung tay hành động vì nạn nhân da cam


Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ gây ra và đã có hàng trăm trường hợp bị chết vì di chứng của da cam hoặc sống với những hình hài bị dị dạng, què quặt, bại liệt, vô sinh... Họ sống mà như không, không biết khóc biết cười, vô hồn nhưng đau đớn dằn xé cả cuộc đời.
Vì vậy, mỗi chúng ta - những tổ chức, cá nhân, đoàn thể hãy chung tay chia sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam bằng tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”. Nhân đây, tôi cũng mong muốn những nạn nhân da cam hãy cố gắng vượt qua nỗi đau bệnh tật cùng với cộng đồng xây dựng cuộc sống mới dưới sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. 
Ông ĐÀO VĂN LAI, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương: Chia sẻ là trách nhiệm của chúng tôi
Đã từng tận mắt chứng kiến nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nên tôi hiểu và cảm thương cho những hoàn cảnh ấy. Đồng cảm chia sẻ với nạn nhân da cam không chỉ là hành động của tình thương mà còn là trách nhiệm của chúng tôi và toàn xã hội. Sự đóng góp dù ít hay nhiều nhưng đó là tình cảm chân thành mà mọi người muốn gửi tới những nạn nhân da cam. Hy vọng rằng, sự chia sẻ của chúng tôi là nguồn động lực về tinh thần để các nạn nhân da cam vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Ông NGÔ VĂN LUI, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương: Chúng tôi muốn góp phần xoa dịu nỗi đau da cam


Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam thì vẫn còn hằn in trên thể xác lẫn tinh thần của nạn nhân. Chúng tôi may mắn hơn các nạn nhân, không bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Sự chia sẻ của toàn thể cán bộ, nhân viên, công nhân trong công ty nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân và gia đình họ. Ngoài sự đóng góp, hỗ trợ cho Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin của tỉnh 120 triệu đồng, nhân Ngày Hành động vì nạn nhân CĐDC, công ty chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm 2 gia đình đặc biệt khó khăn có con, em bị nhiễm CĐDC nặng để hỗ trợ.
THU THẢO - KIM HÀ

50 năm - nỗi đau từ thảm họa da cam

Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ mở chiến dịch rải chất độc da cam (CĐDC) tại huyện Ngọc Hồi - Kontum, chính thức sử dụng vũ khí hóa học vào cuộc chiến tranh với Việt Nam. Nửa thế kỷ qua đi song sự tàn phá của chất dioxin chết người ấy không dừng lại, vẫn tiếp tục hủy hoại những thế hệ sau người lính, người dân vô tội đã trở về từ trong vùng hóa chất; không ít nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba... đang gánh chịu thảm họa của CĐDC.
Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm loại hóa chất độc hại này; đặc biệt đã di truyền sang đời thứ ba với hơn 3 triệu người; trong đó có 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Riêng tỉnh Bình Dương hiện có 5.124 nạn nhân CĐDC/dioxin, trong đó 2.841 nạn nhân trực tiếp, chiếm 54,49% và 2.359 nạn nhân gián tiếp ảnh hưởng bị những căn bệnh quái ác gây nên bao thảm cảnh đau lòng.
Các nạn nhân CĐDC thường dị tật bẩm sinh, mắc nhiều loại bệnh mãn tính khác nhau, thời gian điều trị lâu dài, sức khỏe yếu, tuổi thọ ngắn. Họ bị thiệt thòi do hạn chế trong sinh hoạt, lao động, học tập, khó có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội... khó kiếm việc làm phù hợp, thu nhập thấp, phần lớn lâm vào cảnh ngộ nghèo đói triền miên, khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân. Xem ra, họ là người “nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người khổ”! Vì vậy, các nạn nhân CĐDC chăm lo của Nhà nước cần có sự chung tay, góp sức của  các tổ chức trong, ngoài nước, các nhà hảo tâm cùng cộng đồng xã hội giúp đỡ chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện sống để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, bù đắp phần nào nỗi bất hạnh, vượt qua mặc cảm bệnh tật, đói nghèo. Cả xã hội cần rộng mở tấm lòng, dang rộng vòng tay nhân ái để chia sẻ đau thương với nạn nhân CĐDC. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình người; không chỉ nhằm xoa dịu nỗi đau da cam mà còn gắn với lòng tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhân kỷ niệm “50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam” (10.8.1961 - 10.8.2011), nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, kiên trì đòi những kẻ gây ra tội ác phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân và người thân của họ đã phải gánh chịu tai họa, nỗi đau dai dẳng, bất hạnh trong đời. Công lý phải được thực thi, thế giới rồi sẽ không tái diễn thảm họa, tàn bạo hủy diệt con người và môi trường như thế này lần nữa.
THANH NHÀN


“Nỗi đau da cam” bao giờ nguôi ngoai?

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, còn cần lắm sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa của đêm kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam (CĐDC)/dioxin 

Các cựu chiến binh bị nhiễm CĐDC trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại lễ kỷ niệm
vào tối qua tại Trung tâm Văn hóa tỉnh do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức.


 

Nỗi đau còn đó!
Đã hàng chục năm qua rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến những khoảnh khắc sống còn giữa cái chết và sự sống, nhất là ký ức về những chất độc thảm họa do đế quốc Mỹ rải xuống vùng tranh chấp vẫn còn làm cho những người chiến sĩ phải kinh hoàng. “Khủng khiếp không tả được
cháu à” - chú Đoàn Hoàng Sơn, xã Chánh Mỹ, TX.TDM tâm sự. Chú tham gia chiến trường từ những năm 1968. Lúc đó, chú cùng đồng đội đang tham gia chiến đấu tại vùng biên giới Tây Ninh, Campuchia thì những thùng thuốc đã được rải xuống. “Cay và khó chịu ghê gớm lắm. Các chiến sĩ phải lấy cả nước tiểu để rửa mặt rồi cố gắng chạy khỏi vùng thuốc độc”, chú nhớ lại. Và rồi chiến tranh qua đi, chú trở về với thương tật 45% (thương binh 3/4) lại thêm khói thuốc độc hoành hành đã làm cho cơ thể chú không yên. Những căn bệnh tiểu đường, biến chứng đủ thứ đeo bám cuộc sống của chú và gia đình cùng năm tháng.
Cô Phạm Thị Mai (72 tuổi) khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, TX.TDM cũng cùng cảm xúc. “Chiến đấu gian khổ giành được hòa bình, độc lập tưởng cuộc sống của mình sẽ được bình yên nhưng nào ngờ đâu CĐDC còn nằm lại trong cơ thể của mình. Buồn lắm nhưng mình nghĩ rằng, mình đã hy sinh chiến đấu đối mặt với cái chết và sự sống thì giờ đối mặt với bệnh tật cũng phải vượt qua được. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, chúng tôi cảm thấy thật sự xúc động và chia sẻ phần nào với những nạn nhân CĐDC. Bên cạnh đó, cô nghĩ rằng, mỗi người phải tự lực để vượt qua nỗi đau và khó khăn của mình trong cuộc sống”.


Gia đình nạn nhân CĐDC giao lưu với khán giả trong đêm kỷ niệm
Còn gia đình vợ chồng cô Nguyễn Thị Ven, xã Phước Sang, Phú Giáo thì đã không may mắn khi di chứng ấy đã đến với các con. Vượt qua nỗi khổ đau và khó khăn của hoàn cảnh mình, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cố gắng sống và làm việc để cưu mang cho các con. “Chúng tôi chỉ lo là khi chết đi rồi thì các con sẽ phải sống làm sao!”. Gia đình cô mong là có một trung tâm dành cho những nạn nhân CĐDC có nơi nương tựa...
Không tiếc thân mình để tham gia chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, trở về với cuộc sống đời thường mang trong mình nỗi đau, mất mát không bao giờ có thể dứt bỏ được. Nỗi đau đó còn để lại cho những đứa con, người cháu với những dị tật, bệnh tật hết sức tội nghiệp, vậy mà họ vẫn còn một ý nghĩ: “Thôi thì mình cố gắng vượt qua để đừng là gánh nặng cho đất nước và mọi người!”.
“Xin đừng thờ ơ”
Đó cũng chính là thông điệp mà đêm giao lưu “50 năm thảm họa CĐDC/dioxin” đã diễn ra làm xúc động lòng người. Bởi nỗi đau nào rồi cũng qua, nhưng nỗi đau CĐDC thì vẫn còn đó, còn dai dẳng mãi với thời gian trong hình hài, máu huyết, cơ thể của bao người không thể dứt. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 5.200 người bị nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó có những gia đình 7 người bị nhiễm và phần lớn các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Ông Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Bình Dương tiếp nhận tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp...     
“Mục đích của chương trình không chỉ là tuyên truyền mà còn để kêu gọi, vận động mọi thành phần, nguồn lực của xã hội để chia sẻ, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh cả về vật chất lẫn tinh thần”, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Bình Dương Phạm Ngọc Thái cho biết. Quả thật vậy, thông qua đường dây nóng của chương trình đã nhận được hơn 1,5 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Nhiều người còn đặc biệt quan tâm, hỏi thăm cách để có thể tham gia ủng hộ cho các nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Công Đồng, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cho biết: “Ủng hộ và giúp đỡ của mỗi người vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân đối với những hoàn cảnh bi thương do CĐDC để lại. Tôi xúc động và cũng mong góp phần nhỏ bé của mình cùng với cộng đồng chia sẻ những con người khổ hạnh”. Bạn trẻ Nguyễn Thị Kim Ánh, ĐVTN phường Phú Mỹ, TX.TDM đã không khỏi xót xa khi nhìn những hoàn cảnh khổ đau là nạn nhân của CĐDC. “Mình cảm thấy hết sức thông cảm, chia sẻ và luôn cố gắng hưởng ứng các chương trình ủng hộ nạn nhân CĐDC qua nhiều hình thức, bằng những gì có thể để giúp họ phần nào xoa dịu nỗi đau”. 
Nói về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Minh Sang nhấn mạnh: “Nhiều người đang sống trong khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo và chịu đựng những nỗi đau to lớn về thể chất và tinh thần. Thấu hiểu được nỗi đau ấy, trong thời gian qua, bên cạnh sự giúp đỡ, ủng hộ các nạn nhân da cam của các bạn bè tiến bộ trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chinh sách hỗ trợ cho các nạn nhân khó khăn trong cuộc sống nhằm làm dịu đi những nỗi đau, mang lại niềm tin và sức sống cho hàng triệu nạn nhân trên khắp đất nước. Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQVN tỉnh luôn ghi nhận, biểu dương và trân trọng những đóng góp, hỗ trợ và những tình cảm quý báu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã dành cho các nạn nhân CĐDC, đặc biệt là những nỗ lực, cống hiến của các tổ chức và cá nhân trong bước đường đấu tranh đòi công lý, công bằng cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam”.
Từ năm 2005 đến nay, Ngày Vì nạn nhân CĐDC đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát triển thành “Tháng Hành động Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” diễn ra từ 10-8 đến 10-9 hàng năm. Và chúng ta tin tưởng rằng, sự chia sẻ và ủng hộ của cộng đồng không chỉ dừng lại ở một đêm giao lưu vận động đóng góp cho nạn nhân CĐDC mà sẽ còn tiếp tục, tiếp tục được sự chung tay của cộng đồng xã hội như là một hành động thiết thực để chống lại tội ác còn sót lại trên mảnh đất thân yêu này.
 
Mọi sự đóng góp, ủng hộ cho nạn nhân CĐDC, quý độc giả xin gửi về tài khoản 65010000120340, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bình Dương, điện thoại: 0650.3897500 (Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Bình Dương, lầu 2, số 26, Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi, TX.TDM).

NGỌC TRINH